Đôn Voi đặt ở đâu?

 

Don-voi (2)Voi trước đền thờ Tô Hiến Thành (Sầm Sơn, Thanh Hóa) 

 Nhà tôi để hai chiếc đôn sứ hình ông voi trong phòng khách, nhưng có người đến chơi bảo ông voi phải để ngoài sân, ngoài trời. Xin cho biết đúng sai và xin được giải thích. (Huỳnh Thanh Liêm, ấp Hậu Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, TP. HCM)

1. Đôn là cái ghế sành hoặc sứ. Ngoài công dụng để ngồi, đôn còn được dùng làm bệ để đặt bình hoa, chậu cảnh, bể cá cảnh hay tượng mỹ thuật… nhằm trang trí, làm tôn vẻ trang trọng của vật trưng bày. Đôn có nhiều loại: đôn hình chiếc trống, đôn hình cá, đôn hình bắp cải, đôn vuông, đôn lục giác thân thẳng hay thắt eo cổ bồng, tròn trịa hay đa giác… Có nhiều loại đôn hình thú và đặc biệt phổ biến là đôn voi (bỏ vòi xuống, cong vòi lên, bỏ vòi qua một bên…). Do đây là một sản phẩm gia dụng nên việc đặt đôn voi trong nhà hay ngoài sân đều tùy thuộc từng trường hợp, theo chủ ý của chủ nhà.

2. Đề xuất đặt đôn voi ở ngoài sân là xác quyết bắt nguồn từ tập tục đặt tượng voi ở các
đền, miếu, lăng tẩm. Cũng như ngựa, voi là phương tiện chuyên chở nói chung và là vật cưỡi của các bậc đế vương, tướng soái khi đi chinh chiến. Do đó, ở các đền miếu thờ tự các bậc đế vương, anh hùng “sinh vi tướng, tử vi thần” này hay thờ tự các thần linh siêu nhiên thì tượng voi phục, ngựa chầu thường được bài trí ở trước sân đền, miếu – cứ như rằng các con vật cưỡi này đang chờ chực sẵn sàng phục vụ cho “các ngài”; hoặc biểu ý nơi thánh địa ấy thiêng liêng nên có long/hổ đến chầu, voi đến phục…

3. Ở xứ ta, nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, việc tôn kính voi cũng không thể không bắt nguồn từ các tín lý ngoại nhập. Đối với Phật giáo, có giai thoại liên quan đến sự đản sinh của Phật Thích Ca bắt nguồn từ việc con voi trắng từ trên thượng giới đầu thai vào hoàng hậu Maya. Ở đây voi trắng biểu thị cho điềm lành, cho sự ban phước của trời. Mặt khác, Voi chúa/Tượng vương được ẩn dụ cho Đức Phật. Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, xác định Phật có 80 vẻ đẹp: Đi đứng như voi chúa, bước đi như ngỗng chúa, dung nghi như sư tử chúa…

Nói chung, dưới cái nhìn của Phật giáo, voi có uy lực lớn mà tính tình nhu thuận. Khi Bồ tát vào thai mẹ thì hoặc cưỡi voi trắng 6 ngà hoặc hiện hình voi trắng, biểu thị rằng Bồ tát có tính thiện, nhu hòa, lại có uy lực lớn lao. Ví dụ, Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng biểu thị lòng từ rộng lớn. Voi to lớn có sức mạnh biểu thị khả năng gánh vác của Pháp thân. Màu trắng biểu thị tính vô lậu, vô nhiễm. Tín lý này cũng tạo nên sự tôn kính voi, tượng voi.

4. Trong văn hóa Trung Hoa, voi biểu thị cho điềm lành xuất hiện trong một truyền thuyết thần kỳ liên quan đến ông vua Thuấn thần thoại: Vua Thuấn qua đời, an táng ở dưới núi Cửu Nghi. Bấy giờ có con voi trắng đến cày đất trước mộ và con chim bằng tiêu đến ngậm đất đắp mộ. Vua Vũ, người kế vị vua Thuấn, hỏi lão thần thì được biết đó là điềm lành nên cho lập miếu thờ voi ở đất ấy, phong voi là Tỵ thần. Tín niệm cho rằng voi trắng xuất hiện biểu thị cho thái bình, từ ấy lưu truyền mãi về sau này.

“Thái bình hữu tượng” trở thành lời chúc tụng. Tượng ở đây là hàm nghĩa cảnh tượng. Đồ án vẽ con voi trắng chở trên lưng chiếc bình cổ, tá âm “bình” để biểu ý “thái bình”. Cũng có khi, bình được hiểu là “bảo bình” (cái bình quý) biểu thị sự giàu có. Về sau, đồ án “thái bình hữu tượng” được tích hợp các vật khác để biểu ý nhiều nội dung khánh chúc phong phú: 1- Voi trắng chở một bồn vạn niên thanh hoặc đề chữ vạn của nhà Phật, biểu ý “vạn tượng canh tân” (vạn sự đổi mới); 2- Em bé cưỡi voi biểu ý kiết/cát tường (kỵ tượng tức cưỡi voi, đồng âm với kiết tường); 3- Em bé cưỡi voi, tay cầm gậy như ý, là đồ án biểu thị lời chúc “kiết tường như ý”…

Don-voi (1)Đôn voi bằng gốm

Nói chung, qua những “dữ liệu văn hóa” trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng cái đôn voi vừa là vật phẩm thực dụng – xét ở góc nhìn thế tục; mặt khác nó là vật phẩm văn hóa chứa các nội dung tín ngưỡng phong hóa dưới cái nhìn truy nguyên và hồi cố. Đặt đôn voi ở đâu, như vậy là do căn duyên, do tín niệm của mỗi người, mỗi gia đình.

HUỲNH NGỌC TRẢNG

CÁC bài viết liên quan