Tiêu Chuẩn Thiết Kế Vỉa Hè Tại Nước Ngoài

 Không gian công cộng (KGCC) trong đô thị là nơi diễn ra sự tương tác giữa người với người, mà mọi người với xuất thân, nền tảng khác nhau, với các ước mơ và năng lực khác nhau có thể gặp gỡ, giao tiếp… KGCC bao gồm: Đường phố, vỉa hè, quảng trường, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe, công viên, và các khu vực khác được mở ra cho mọi người tiếp cận miễn phí và dễ dàng. Trong đó, vỉa hè được xem như là KGCC dễ tiếp cận nhất, bước chân ra khỏi nhà là đặt chân lên vỉa hè.

Về cơ bản, vỉa hè được phân chia thành 3 khu vực sau:

 

Dubai street

– Khu vực trước công trình (frontage zone or death with): Có thể là hiên nhà hoặc là khu vực để bảng hiệu, lắp mái che nhẹ, khu vực này là không gian chuyển tiếp từ trong nhà ra ngoài đường, có thể bao gồm luôn phần khoảng lùi của công trình, hay là khoảng cách giữa chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng, tuy rằng được tính vào sở hữu của chủ nhà, không tính vào diện tích vỉa hè nhưng làm cho vỉa hè rộng và thoáng hơn, vẫn có thể sử dụng công cộng;

– Khu vực dành cho người đi bộ (Through or pedestrian zone);

– Khu vực dành cho việc bố trí các tiện nghi đô thị và trồng cây xanh (Furnishing zone/ planting zone): Thùng rác, ghế ngồi nghỉ, cột đèn, cột điện,… Cây xanh thì  bao gồm cây xanh trồng cố định và di động (trồng trong các chậu lớn, nhỏ). Đa số đường phố ở Việt Nam chỉ có cây xanh, cột điện , cột đèn, còn các ghế ngồi nghỉ, thùng rác,…thì tùy tuyến đường mới lắp đặt.

Còn khoảng lùi an toàn (Edge) nằm ngoài cùng của vỉa hè thì có thể có hoặc không: Đây là khoảng tiếp xúc với lòng đường, 1 số xe đỗ trên đường có thể lấn vào khoảng này để tiết kiệm diện tích đỗ xe trên đường. Một số đường thì cây xanh có thể trồng sát bó vỉa.

 

Hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường đang là một tình trạng rất phổ biến ở nước ta. Vỉa hè được sử dụng để đỗ xe, để các bảng hiệu, bàn ghế hàng ăn, giải khát, thậm chí là trải các mặt hàng ra để bán một cách lộn xộn. Cuộc sống mưu sinh trên vỉa hè lại muôn hình vạn trạng. Mặc dù đã có những quy định cụ thể của UBND các tỉnh thành về việc sử dụng vỉa hè nhưng vấn đề này vẫn còn rất bất cập. Việc quản lí còn nhiều điểm yếu trong khi sự ảnh hưởng của vỉa hè đến cuộc sống của người lao động nghèo đô thị lại rất lớn. Vỉa hè hiện nay đã trở thành không gian văn hóa đặc sắc và trở thành những điểm du lịch thú vị. Cho nên, việc gìn giữ và quản lí ở mức độ như thế nào cho phù hợp luôn là vấn đề nan giải. Chức năng ban đầu cơ bản nhất của vỉa hè là để dành cho người đi bộ, diện tích dành cho người đi bộ ngày càng bị lấn chiếm. Việc tổ chức cảnh quan trên vỉa hè kém hấp dẫn với các loại gạch lát kém chất lượng, bị hư hỏng, cây xanh chưa được chăm sóc tốt, các vật dụng tiện nghi đô thị với thiết kế giống nhau chứ chưa có đặc thù riêng.

Về độ rộng vỉa hè thì khác nhau theo từng loại đường và tùy vào chức năng hoạt động của từng tuyến phố, thường là từ 2m cho tới 7-8 m hoặc có thể lớn hơn. Hiện nay ở các đường phố nước ta cũng phân luồng trên vỉa hè bằng vạch vôi trắng, nhưng chủ yếu chia vỉa hè ra làm 2: Khu vực để xe máy và khu vực để đi bộ, trồng cây và lắp đặt các tiện nghi đô thị. Nhưng tình trạng thường xuyên là đỗ xe lấn chiếm phần dành cho người đi bộ.

Để trả lại vỉa hè với đúng chức năng ban đầu của nó – Dành cho  người đi bộ và để khuyến khích người dân quay trở lại với thói quen đi bộ, thì cần phải phân làn vỉa hè cụ thể và thiết kế KGCC này trở nên hấp dẫn và đa dạng hơn. Một số giải pháp được đề xuất như sau:

Tổ chức khu vực đi bộ (Through zone/ pedestrian zone) :

 

– Quy định kích thước khu vực đi bộ phù hợp, không cho phép các hoạt động khác lấn chiếm khu vực này. Kích thước khu vực đi bộ tối thiểu là 1,8m – đủ cho 2 làn người cùng di chuyển và có thể thoải mái mang vác các vật dụng trên người. Đối với các tuyến đường có chức năng sử dụng hỗn hợp thì tối thiểu nên là 2,5m, còn đối với các tuyến đường với chức năng thương mại, dịch vụ thì tối thiểu nên là 4m.

– Vấn đề che nắng cho người đi bộ:

 

Mái che nắng trước công trình: Cố định hoặc di động, độ rộng tùy thuộc vào loại công trình. Những công trình thương mại thì có thể làm mái che rộng 1,5-2m, công trình nhà ở kết hợp kinh doanh thì mái che hẹp hơn 0,6-1,2m;

Có thể dùng phần hiên nhà đua ra để che nắng (sàn ban công, logia tầng 2), hoặc đua hẳn một bước cột ra ngoài để tạo hành lang đi bộ thoáng mát và tăng khả năng tiếp cận công trình của các tuyến phố thương mại. Phương án này rất phổ biến ở một số khu phố ở Geylang, Singapore hoặc ở các thành phố ở Ấn Độ;

Cây xanh bóng mát thân cao thẳng, tán rộng hẹp tùy thuộc vào kích thước đường và vỉa hè. Đối với những vỉa hè rộng có thể làm 2 hàng cây xanh để tăng hiệu quả che nắng, tăng diện tích cây xanh trong đô thị và tạo cảnh quan xanh mát;

– Thay gạch lát vỉa hè bằng vật liệu thấm nước và phản xạ nhiệt để giải quyết 1 phần vấn đề thoát nước và giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Các tuyến đường khác nhau có thể dùng các vật liệu lát đường đa dạng, màu sắc thẩm mỹ.

Phân chia khu vực để xe và khu vực cho phép buôn bán cụ thể trên vỉa hè:

 

Tùy tuyến đường có quy định cho phép hoặc không cho phép đỗ xe hoặc tổ chức các hoạt động buôn bán như: bày bán hàng hóa, café cóc, trà đá,… Và cần quản lí kiểm tra chặt chẽ để việc đỗ xe không lấn chiếm không gian đi bộ. Một số tuyến đường tổ chức các làn đỗ xe ô tô sát vỉa hè, tuy nhiên vẫn nên bố trí thêm các nhà để xe thấp hoặc cao tầng trong các khu thương mại nhiều người sử dụng

Tạo không gian sinh hoạt công cộng hấp dẫn trên vỉa hè:

– Tạo các điểm dừng chân nghỉ ngơi dọc đường: Với vỉa hè rộng có thể bố trí thêm bàn ghế, chỗ ngồi nghỉ chân kết hợp với các pop up café (quán café di động) hoặc các xe bán thức ăn nhanh di động. Có thể kết hợp dù che nắng cho các góc ngồi này.

 

– Tạo không gian sinh hoạt cộng đồng bằng cách mở rộng vỉa hè: Tạo không gian nghỉ ngơi rộng rãi tiện nghi bằng cách tận dụng các chỗ đỗ xe ô tô trên lòng đường để làm “parklet”. Đây là một mô hình còn khá mới ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng nhiều ở các nước tiên tiến.

Parklet được xây dựng lần đầu tại San Francisco, Mỹ vào năm 2005 bởi studio REBAR, với tên gọi là “PARK(ing)” với 1 thảm cỏ, 1 ghế ngồi nghỉ và 1 cây xanh có diện tích bằng 1 chỗ đậu xe. Parklet chính là một trong những cách đưa người dân quay trở lại với đường phố, không gian đi bộ dành cho họ – Như là 1 công viên thu nhỏ với đầy đủ chức năng, chúng thúc đẩy cuộc sống cộng đồng trên phố, khuyến khích sự tương tác và thu hút mọi người tham gia vào các hoạt động cộng đồng. 1 parklet chỉ  chiếm từ 1-3 chỗ đậu xe nhưng mở rộng được diện tích vỉa hè, cung cấp một nơi để ngồi nghỉ, có thể ngủ 1 giấc ngắn, nói chuyện, nhảy, ăn uống, đọc sách, là nơi để quan sát ngắm đường phố và thậm chí có thể để xe đạp. Nó cung cấp cơ hội để đổi mới hình thức và chức năng của các KGCC và xây dựng sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, các nhà thiết kế và người dân.

 

San Francisco đã trở thành thành phố tiên phong đưa parklets trở thành 1 phần chính thống không thể thiếu trong thiết kể cảnh quan của thành phố. Chúng đã được xây dựng và lắp đặt cố định trên nhiều tuyến phố chứ không phải chỉ là những lắp đặt thử nghiệm có thể tháo dỡ dễ dàng như ban đầu. Sau đó Vancouver, Chicago, Seattle,…cũng dần đưa parklet vào thiết kế đường phố của mình.

Một số yêu cầu về parklet:

Việc lựa chọn vị trí nên cân nhắc cho phù hợp với công trình đối diện, kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ phía người dân và doanh nghiệp;

Dành cho cộng đồng sử dụng, không chỉ là khách hàng của nhà tài trợ;

Không nên có quảng cáo của nhà tài trợ;

Thuận tiện cho mọi đối tượng sử dụng kể cả người tàn tật;

Đảm bảo đủ độ bền để có thể sử dụng trong nhiều năm;

Có thể lắp đặt và tháo dỡ dễ dàng mà không làm hỏng lòng đường, vỉa hè, lề đường;

Có thể kết hợp với các quán café pop-up (lưu động) hoặc xe bán thức ăn nhanh lưu động trên vỉa hè;

Được đặt trên những tuyến phố có giới hạn về tốc độ dưới 40km/h;

Cách các góc đường ít nhất 1 chỗ đỗ xe ôtô;

Được bảo vệ bởi 2 gờ dừng xe 2 bên và có thể có hàng rào bao ngoài để tăng độ an toàn cho người sử dụng.

Kết luận:

Hiện nay, việc sử dụng quá nhiều các phương tiện giao thông cá nhân đang tạo ra sức ép về lượng giao thông quá tải trên đường phố và áp lực về các bãi đỗ xe. Để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thì cần đảm bảo việc đi bộ từ các điểm chờ (xe bus, tàu điện) đến nơi muốn đến.Tạo không gian đi bộ sạch đẹp, không gian giao tiếp công cộng hấp dẫn trên vỉa hè sẽ khuyến khích người dân đi bộ trở lại, và tạo điều kiện cho mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên hơn; đồng thời, mối quan hệ hàng xóm láng giềng của cộng đồng càng được thắt chặt hơn vì vỉa hè là nơi giao tiếp gần gũi nhất của họ.

Trả lại vỉa hè cho người đi bộ là việc cấp thiết nhất nhưng cũng quan trọng không kém là việc thiết kế vỉa hè thành nơi để tương tác giữa người và người diễn ra thường xuyên hơn. Chúng ta cần những thiết kế hấp dẫn, hiệu quả đi kèm với sự quan tâm và đầu tư của chính quyền địa phương. Tác giả hi vọng trong tương lai sẽ được nhìn thấy những tuyến đường đô thị không những xanh sạch đẹp mà còn rất đông người đi bộ trên vỉa hè.

CÁC bài viết liên quan