KTNĐ – * Nhà tôi đang ở là nhà trệt phố liên kế, ngang 4m sâu khoảng 19m trong một khu dân cư cũ. Hẻm trước nhà rộng khoảng 4m. Nhiều nhà chung quanh nhà tôi đã xây nhiều tầng, 2 căn kế bên cũng vậy. Gia đình tôi đang có ý định xây nhà mới trên nền nhà cũ và đang thảo luận phương án với kiến trúc sư thiết kế.
Kiến trúc sư khuyên nhà tôi nên có giếng trời để lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên. Trước nay tôi chưa có kinh nghiệm ở “nhà lầu” nên xin hỏi Nhà Đẹp: về chiếu sáng tự nhiên thì tôi đã thấy, nhưng về tác dụng thông gió thì có được như kiến trúc sư đã khuyên không? Diện tích nhà tôi không lớn nên liệu có thể không làm giếng trời không?
* Anh TRÍ DŨNG (Q.5, TP.HCM)
– Trả lời:
Thưa bạn, để trả lời chính xác và khoa học câu hỏi “tưởng nhỏ mà lớn” này thực sự cần có kiến thức chuyên sâu về thông gió và những kinh nghiệm riêng. Trong khuôn khổ hạn hẹp của trang báo cũng như trình độ ở mức “kiến trúc sư”, chúng tôi chỉ xin nhắc lại vài điểm cơ bản để bạn có thể thảo luận thêm với người thiết kế.
1. Theo quy định xây dựng hiện nay, bạn bắt buộc phải chừa tối thiểu khoảng 10% không xây dựng cho “thông thoáng” (KTS thiết kế sẽ tính toán chính xác cho bạn). Khoảng diện tích “thông thoáng” này có thể đặt giữa nhà hoặc phía sau nhà hoặc làm sân nhỏ trước nhà, tùy bạn.
2. Chiếu sáng qua giếng trời: đây là lợi ích rõ nhất của giếng trời. Nhưng kèm theo lấy ánh sáng tự nhiên sẽ có một số điểm nhược khó khắc phục do hạn chế về kỹ thuật xây dựng ở Việt Nam, chúng tôi sẽ đề cập đến khi có dịp.
3. Thông gió qua giếng trời: trên nhiều bản vẽ thiết kế, KTS hay vẽ những mũi tên chỉ hướng gió ra vào cho thấy căn nhà luôn đầy ắp gió. Nhưng thực tế gió chưa chắc đã đi theo “kịch bản” của KTS. Chúng tôi xin giải thích thêm trên các sơ đồ đính kèm.
• SƠ ĐỒ 1: Mặt tiền nhà đối mặt với hướng gió. Gió vào theo các cửa sổ phía trước nhà và thoát ra theo hướng giếng trời. Cửa thoát gió phải bố trí ở phía ngược lại với mặt tiền nhà, nếu chừa cửa thoát gió phía mặt trước nhà thì gió trong nhà sẽ không thoát ra được.
Theo sơ đồ này, các phòng sau nhà phải chịu bí không có gió. Trường hợp mặt nhà không quay về hướng có gió thì giếng trời chỉ cho cảm giác thoáng chứ không thể có gió được.
• SƠ ĐỒ 2: Dùng mái che di động theo kiểu rất nhiều nhà phố sử dụng hiện nay thì không khí trong nhà khó lòng mà thoát ra được. Tùy theo hướng gió mà người ta phải tạo nên những tấm chắn để giúp gió trong nhà thoát ra.
• SƠ ĐỒ 3: Bố trí khoảng “thông thoáng” như là sân sau nhà. Nếu nhà phía sau không cao quá thì nhà bạn có thể đón gió theo cả 2 hướng trước và sau. Lưu ý, gió chỉ đi xuyên nhà khi bạn mở cửa phòng hoặc có các vách ngăn “rỗng”.
KTS HỒ LÊ PHƯƠNG
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 6.2015