Việc chọn lựa, sắp xếp, kiểu dáng, chất liệu của các vật dụng, trang thiết bị tại góc tâm linh trong ngôi nhà ở đương đại hiện có nhiều quan niệm khác nhau, gây ảnh hưởng nhất định đến thẩm mỹ và cảm giác an lành của không gian sống.
Mọi ngôi nhà dẫu hoàn thành về mặt xây dựng nhưng để có thể dọn vào ở được một cách thoải mái và hài hòa về nhiều mặt, gia chủ vẫn phải cần lưu ý thêm những phần thuộc về “hoàn thiện mềm”, trong đó góc tâm linh luôn là sự khác biệt của từng gia đình vì mỗi nhà mỗi tín ngưỡng, tôn giáo… khác nhau.
QUAN TÂM VỊ TRÍ,TÍNH CHẤT:
Không gian nhà ở hiện đại do ít tuân thủ cấu trúc truyền thống kiểu nhà nông thôn đặt khu thờ cúng trang trọng ngay gian giữa, nên tranh luận khi xây nhà thường gặp là: nên đặt phòng thờ – bàn thờ ở đâu, dưới tầng trệt hay trên lầu thượng, trong phòng khách hay góc riêng biệt?
Thực tế có 2 quan niệm khá rõ, trong đó nhóm gia chủ cao niên thích bố trí phòng thờ trang trọng, hoành tráng, đặt dưới trệt để tiện đi lại nhang khói. Còn những ai theo “phái” trẻ tuổi lại muốn đặt góc tâm linh hay phòng thờ (bàn thờ) trên lầu thượng, làm nhỏ gọn kín đáo, tạo sự tách biệt, thoáng đãng.
Các thiết kế tủ thờ, kệ trang trí hiện đại mà phảng phất nét truyền thống sẽ phù hợp không gian tâm linh trong nhà phố, căn hộ nhỏ gọn
Cho dù theo quan điểm nào mọi giải pháp bố trí không gian kiến trúc – nội thất cũng đều có lý do và đáp ứng nhu cầu cho đối tượng sử dụng cụ thể trong một khoảng thời gian cụ thể nào đó (văn hóa truyền thống phương Đông gọi là thuyết Thời – Không, không gian tương ứng với thời gian cụ thể).
Ngay cả những người hôm nay còn trẻ nhưng đến vài chục năm sau chắc chắn cũng phải muốn không gian thờ cúng nằm dưới tầng thấp để tiện đi lại, nhang khói mỗi ngày.
Nhưng trong ngôi nhà phố hiện tại, diện tích không đủ rộng rãi thì việc bố trí một phòng thờ hay bàn thờ dưới tầng trệt sẽ khó đảm bảo thông thoáng, ảnh hưởng qua lại các sinh hoạt khác, đồng thời có thể gặp tình trạng tầng trên sinh hoạt “giẫm đạp” lên phần tôn nghiêm trang trọng. Vì thế, giải pháp trung hòa là đặt bàn thờ ở vị trí thuận tiện với việc sinh hoạt đặc thù của gia đình.
Với nhà này ở trên cao là hợp thì đặt trên cao, nhà khác lại phải ngay dưới trệt, hoặc đi cùng phòng sinh hoạt trên lầu lửng, lầu 1… nhưng luôn phải có thiết kế đồng bộ ngay từ đầu với dự trù lâu dài để tránh xáo trộn công năng và không gian.
Các quan niệm cơ bản về góc tâm linh, thờ cúng trong nhà thực ra không quá phức tạp. Đó là nơi có thể gọn gàng nhỏ nhắn nhưng trang trọng, cần tạo sự thông thoáng tự nhiên và không bị các sinh hoạt cá nhân (như phòng vệ sinh, phòng ngủ) nằm bên trên, bên cạnh tác động qua lại ảnh hưởng, sao cho gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày, đảm bảo sự kết nối tốt về giao thông và tinh thần của cả gia đình.
Giải pháp phổ biến và hợp lý hơn cả mà thực tế đã kiểm chứng là bố trí phòng thờ nằm ở vị trí tựa lưng vào giếng trời, hoặc nằm trong phòng phía trước nhìn ra ban công, sân nhỏ… để các sinh hoạt khác ít va chạm, tránh bị luồng di chuyển hằng ngày đi xuyên qua, đồng thời dễ thông thoáng hơn khi nhang khói, tề tựu đông người lúc giỗ tết.
XỬ LÝ TỔNG THỂ VÀ CHI TIẾT:
Trên thực tế nhiều gia đình hiện đại không có nhu cầu làm phòng thờ hay bàn thờ rộng rãi, hoặc do dạng căn hộ nhỏ, cơ cấu gia đình trẻ tuổi, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau… nên góc tâm linh trong nhà đôi khi chỉ là một bàn thờ ông địa thần tài nho nhỏ, một bàn thiên thắp nhang trời đất hay một sàn gỗ ngồi thiền. Cách xử lý các không gian dạng nhỏ như vậy gắn liền với xử lý hệ thống đồ nội thất.
Ngôi nhà hiện đại cũng có tính kim hiện diện nhiều hơn tính mộc, bởi hệ thống trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình, như máy điều hòa, thiết bị bếp, hệ thống giải trí tại gia, máy móc trong phòng làm việc, thiết bị phòng tắm… Do đó, nhằm để cân bằng âm dương (thiết bị càng nhiều thì tính dương càng tăng) và bớt thiên lệch ngũ hành, cần một vài lưu ý khi xử lý không gian tâm linh có biến thể hiện đại như sau:
Trần và đèn trang trí: Một góc tâm linh hiện đại hài hòa về ánh sáng cần tính âm, dịu nhẹ hơn là tính dương rực rỡ. Ánh sáng theo các sắc của ngũ hành trong góc tâm linh nên dùng ánh sáng vàng nhẹ (thổ) giúp tạo sự ấm cúng, một số chỗ nếu có tủ sách hay bàn làm việc kiểu hiện đại có thể điểm thêm ánh sáng trắng (kim).
Cách xử lý trần tương ứng với chọn kiểu chiếu sáng, chủ yếu là kiểu dáng nhẹ nhàng, có thể nghiêng hoặc giả cấu trúc truyền thống (rui, mè, dầm nghiêng) để tạo “không khí” tâm linh nhiều hơn các không gian khác.
Sàn và tấm trải sàn: Nếu căn hộ hoặc nhà phố nhỏ hay có kết hợp nơi thờ cúng với thiền tịnh, đọc sách, thư giãn… thì kiểu góc tâm linh hiện đại này cần xử lý sàn khác biệt một chút so với toàn nhà. Những loại sàn mềm (âm tính) và ấm áp như sàn gỗ, sàn tre, trải thảm hoặc chiếu cói sẽ hợp hơn sàn lát gạch đá thuần túy.
Có thể kết hợp sàn với bàn thấp kiểu Nhật, bàn trà hay sập gỗ kiểu Việt tạo nên không gian thư giãn mang nét Á Đông đặc thù.
Tranh ảnh và vật kỷ niệm: Người phương Đông xưa nay hay chuộng các loại tranh phong cảnh, thủy mặc như một giải pháp đưa thiên nhiên vào nội thất. Tại các vị trí không thể trổ cửa, một bức tranh thiên nhiên sẽ đóng vai trò khung cửa giả nhằm bổ sung cảnh trí, tăng thêm sự linh hoạt của góc tâm linh.
Chất liệu, màu sắc của vật trang trí nơi góc tâm linh cũng nên hài hòa theo ngũ hành, như bình gốm sứ thuộc thổ, gỗ mỹ nghệ hay mây tre thuộc mộc, vật dụng màu đỏ cam và có hình tam giác nhọn thì thuộc hỏa… là những dạng vật trang trí hợp không gian tâm linh.
Hệ thống đồ gỗ: Nếu có, cần chọn kiểu đơn giản, giảm các góc cạnh và chi tiết thừa sẽ phù hợp trong không gian đương đại. Hệ thống kệ tủ còn kiêm chức năng ngăn chia thoáng không gian, hoặc kết hợp chứa đồ giúp nhà gọn ghẽ hơn.
Ngôi nhà truyền thống Việt luôn xem trọng yếu tố hòa hợp thiên nhiên và hướng về hành mộc, hành đặc trưng của phương Đông với tính chất hướng về ánh sáng, phát triển có gốc rễ và tăng trưởng theo thời gian. Tâm thức đó vẫn luôn khiến các gia chủ hiện đại thích dùng nhiều đồ gỗ để thấy nhà nói chung và góc tâm linh nói riêng được ấm cúng, sang trọng hơn.
Tuy vậy, ngôi nhà hiện đại vẫn luôn cần sự phối hợp của toàn bộ ngũ hành về chất liệu, màu sắc chứ không nên thiên lệch chỉ một hành mộc.
Các tín ngưỡng riêng: Mỗi gia đình tùy theo tôn giáo tín ngưỡng có thể có các góc tâm linh riêng, như góc treo Thánh giá, bàn thờ các tôn giáo khác với bàn thờ tổ tiên… Ví dụ bàn thờ táo quân trong bếp là chi tiết nhỏ nhưng có nhiều biến thể phong phú tùy theo mỗi gia đình.
Thuở trước, cấu trúc và vật liệu bếp chưa được hiện đại như bây giờ, nhiều gia đình chỉ đặt ngay bên cạnh bếp một lư hương nhỏ thắp nhang mỗi ngày. Hiện nay với nhiều kiểu mẫu bếp đa dạng, phong phú về vật liệu lẫn thiết bị nên việc đặt bếp và bàn thờ táo quân tại đâu có thể chủ động tính toán ngay từ đầu.
Nếu đặt ngay tại vị trí bếp thì lưu ý phần bên trên của máy hút khử mùi có thể tạo hộc trống đặt bàn thờ táo quân. Cũng có thể nếu ngại việc thắp nhang phía trên bị cao khó với tới thì có thể làm một kệ nhỏ độc lập hoặc liên hoàn với tủ bếp, tại góc ít va chạm, đơn giản và tiện dụng.
Đây cũng là tiêu chí cơ bản để các thiết kế tủ kệ liên hoàn cần hướng tới khi bố trí căn hộ chung cư diện tích nhỏ nhưng cần đủ các công năng và hợp với kích thước thực tế.
Theo Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp